Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

chàng trai học công nghệ thông tin của pháp trên đất mỹ

Chàng trai học công nghệ thông tin của Pháp trên đất Mỹ

Đó là câu chuyện của Hoàng Minh Phái, cựu sinh viên chương trình hợp tác đào tạo giữa đại học Bách Khoa Hà Nội và đại học Bách Khoa Grenoble, Pháp.

Phái đang học Thạc sĩ ngành Khoa học máy tính (Master Computer Science) tại University of Minnesota, Mỹ, với điểm TOEFL 88/120 (tương đương IELTS 6.5), nhưng ít ai biết cậu còn có 5 năm học xông nghệ thông tin bằng tiếng Pháp.

Hoàng Minh Phái tại lễ tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin thuộc chương trình G-INP, đại học Bách Khoa Hà Nội.

Xác định mục đích rõ ràng mới làm nên 'cơm gạo'

Năm 2005, trong khi các bạn cùng học phổ thông còn đang băn khoăn về việc lựa chọn trường đại học và nghề nghiệp cho tương lai thì Phái đã 'có nơi có chốn' cho riêng mình. Bị hấp dẫn bởi đất nước Pháp xinh đẹp từ lâu vì nền giáo dục và văn hóa của nó, khi biết đại học Bách Khoa Hà Nội có chương trình hợp tác đào tạo với đại học Bách Khoa Grenoble của Pháp, Phái đã nộp hồ sơ đăng ký ngay.

Phái chọn học công nghệ thông tin của Bách Khoa một phần vì yêu thích, một phần vì Bách Khoa đã có 'thương hiệu' trong lĩnh vực này. Khi học rồi, cậu mới thấy lựa chọn của mình là đúng. Ở Bách Khoa, Phái có điều kiện học tập tốt, môi trường năng động, các bạn đều là những người ham học và có ý chí vươn lên. Các thầy cô ở Bách Khoa rất nhiệt tình, trách nhiệm và giàu kinh nghiệm.

Phái nhớ năm 2010, khi cậu tham gia phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học với đề tài 'Hệ thống thông minh tự động gợi ý khuyến mãi cho người dùng di động', các thầy ở Viện công nghệ thông tin đã hướng dẫn cho cậu từng li từng tí. Dù chỉ được giải khuyến khích toàn trường, nhưng điều quan trọng, Phái học được thái độ, phong cách làm việc nghiêm túc, đầy trách nhiệm.

Phái tốt nghiệp năm 2012 với điểm đồ án là 9.83, điểm tổng kết là 7.24 - số điểm tương đối cao đối với một sinh viên theo học ngành kỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp, Phái tiếp tục phát triển đồ án tốt nghiệp với thầy hướng dẫn khoảng một năm. Lúc quyết định du học, Phái ở nhà tập trung học tiếng Anh.

Có khó mới nên người

Học công nghệ thông tin của Pháp nhưng lại chọn Mỹ là nơi du học, Phái chia sẻ: 'Khi học bất kỳ một ngoại ngữ nào đó, nghĩa là bạn đang được 'phiêu lưu' trên đất nước của thứ ngôn ngữ đó. Với bản tính thích khám phá, em muốn 'phiêu lưu' càng nhiều nước trên thế giới càng tốt. Mọi người cứ nói học tiếng Pháp ra trường xin việc khó vì nó không thông dụng, nhưng không phải thế. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện, quan trọng vẫn là kiến thức và kỹ năng mình thu được trong quá trình học tập. Em học tiếng Pháp nhưng vẫn dành thời gian cho tiếng Anh và vẫn xin được học bổng như thường. Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên thông thạo nhiều ngoại ngữ'.

Hoàng Minh Phái (ngoài cùng bên trái) trong buổi buổi gặp với Tiến sĩ Alan Phan - Chủ tịch quỹ đầu tư Viasa.

Nhiều người vẫn cho rằng xin học bổng tại Mỹ là khó, nhất là đối với những sinh viên học tiếng Pháp. Điều kiện để được đi học cao học tại Mỹ tùy thuộc vào từng trường, từng ngành và bậc học (tiến sĩ hay thạc sĩ). Nhìn chung, sinh viên phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản là: các bài thi chuẩn hóa (TOEFL, GRE, GMAT, SAT..), thư giới thiệu, bảng điểm.

Lời khuyên Phái dành cho các bạn sinh viên khi muốn du học Mỹ nói riêng và đi du học nói chung là hãy học tập thật chăm chỉ, dành thời gian học tiếng Anh, có một kế hoạch cụ thể và quan trọng nhất là phải kiên trì đến cùng. 'Bản thân em, khi nộp hồ sơ vào University of Minnesota - Twin Cities, trước hạn nộp hồ sơ 5 phút em phải vào thanh toán lệ phí cho trường. Lúc đó em mới phát hiện ra thẻ tín dụng không còn đủ tiền. Không từ bỏ, em vẫn cố gắng hoàn thiện và chấp nhận nộp hồ sơ muộn một ngày. Trong lòng cũng khá lo lắng, thậm chí, em đã nghĩ là mọi chuyện 'xôi hỏng bỏng không'. Thật may là cuối cùng em đã nhận được thư mời nhập học ĐH Minnesota'.

Phái đang học năm thứ 2 của khóa học thạc sỹ. Nếu năm này cậu làm tốt vị trí Research Assistant (trợ lý nghiên cứu) tại phòng Lab của vị giáo sư đã nhận Phái vào Lab đó thì cậu được miễn học phí. Đó là cách đích trước mắt của Phái. 'Tương lai là những điều chưa biết, cho nên em không muốn nói đến tương lai xa. Em nghĩ, mỗi người nên vạch ra cho mình những mục tiêu gần gần thôi, rồi từng bước thực hiện, thực hiện xong rồi lại có mục tiêu tiếp theo để phấn đấu. Nhưng quan trọng, đừng bao giờ từ bỏ', cậu nói.

Xuân Ngọc

Nguồn: vnexpress.net